Tây Ban Nha: Mô hình nông nghiệp tái sinh đem lại thành công kép

Phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh 'không cày xới' thúc đẩy đa dạng sinh học, mang lại lợi nhuận cho các chủ vườn ô liu và nho.

70 triệu cây ô liu trải dài đến tận chân trời theo mọi hướng ở tỉnh Jaén, miền nam Tây Ban Nha tạo thành biển ô liu. Đó là một cảnh quan ngoạn mục, tuy nhiên, ngoài ô liu, vùng đất này hầu như không có sinh cơ, hiếm khi có thể nhìn thấy một bông hoa, con chim hoặc con bướm.

Tất cả điều này có thể sắp thay đổi sau thành công đáng kể của một dự án đang mang lại sức sống mới.

Nhờ áp dụng canh tác "không cày xới", cỏ và hoa dại có thể phát triển và làm giàu đất, tăng tính đa dạng sinh học.

Năm 2016, với sự hỗ trợ tài chính từ chương trình EU’s Life, 20 trang trại ô liu trong khu vực đã được chọn để áp dụng mô hình nông nghiệp tái sinh, cho phép cỏ và hoa dại sinh sôi giữa các tán cây. Nhiều loại cây địa phương được trồng ghép, lắp đặt các hộp làm tổ chim, và đào ao để khuyến khích sự sống của côn trùng và chim.

Trong nghiên cứu lớn nhất thế giới về đa dạng sinh học trong rừng ô liu, các nhà nghiên cứu từ Đại học Jaén và hội đồng cấp cao hơn về nghiên cứu khoa học (CSIC), các đối tác trong dự án Olivares Vivos, phát hiện ra rằng trong ba năm, số lượng ong trong rừng ô liu tái sinh tăng lên 47%, chim và động vật tăng 10%, cây bụi thân gỗ tăng 172%, so với 20 khu rừng đối chứng. Khi thỏ phát triển mạnh trên đồng cỏ, chim săn mồi cũng xuất hiện trở lại.

Paco Montabes, người trồng 650 héc-ta ô liu ở Jaén’s Sierra Mágina cho biết: “Những gì chúng tôi đang làm là quay trở lại với những cách canh tác truyền thống hơn. Việc không cày xới giữa các cây giúp giữ nước tốt hơn, ít bị xói mòn và trôi sau mưa lớn. Lớp phủ thực vật làm cho mặt đất giống như bọt biển và hấp thụ nước mưa”.

José Eugenio Gutiérrez, thành viên của tổ chức bảo tồn SEO Birdlife, điều phối viên dự án, cho biết sáng kiến ​​này được thúc đẩy bởi cả những mối quan tâm về môi trường và kinh tế. Những người trồng trọt đã lo lắng về xói mòn đất và thiếu đa dạng sinh học, cũng đang chịu thiệt hại về mặt tài chính do tình trạng dư thừa dầu ô liu trên toàn cầu đã đẩy giá xuống dưới giá thành sản xuất. Thường thì những người duy nhất kiếm được lợi nhuận là ở nhà máy đóng chai và các nhà bán lẻ.

Phương pháp Olivares Vivos là một chiến lược đôi bên cùng có lợi: đa dạng sinh học phát triển mạnh trong khi dầu ô liu được chứng nhận là được sản xuất trong các điều kiện làm tăng đa dạng sinh học, thay vì được chứng nhận đơn giản là “sinh thái”, mang lại giá trị gia tăng cho dầu ô liu.

Hơn 600 người trồng trọt đã bày tỏ sự quan tâm đến việc áp dụng mô hình tái sinh, theo ông Gutiérrez.

Mô hình nông nghiệp tái sinh là một trong những ý tưởng đã thành công trong kinh doanh rượu. Từ ban đầu chỉ có một số vườn nho nhỏ áp dụng, hiện nay các nhà sản xuất rượu vang lớn cũng đang đăng ký tham gia. Trong vùng trồng nho Penedès, cách Jaén 750 km về phía bắc, Torres, nhà sản xuất rượu lớn nhất của Tây Ban Nha, đang áp dụng phương pháp tái tạo khi tìm cách giảm lượng khí thải carbon.

Miguel Torres, thế hệ trồng nho thứ năm, người đứng đầu nhà máy rượu cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã được chứng nhận là trồng nho hữu cơ trong hầu hết các vườn nho của mình, nhưng có cảm giác rằng chúng tôi làm chưa đủ.

Theo truyền thống, đất được cày giữa các dây leo để loại bỏ cỏ dại và vỡ đất để dễ hút nước mưa. Tuy nhiên, việc làm này không chỉ góp phần làm xói mòn mà còn dẫn đến thiếu đa dạng sinh học và đất nghèo dinh dưỡng, sau đó cần bổ sung chất dinh dưỡng một cách nhân tạo".

“Các quy tắc trồng nho hữu cơ thậm chí không đề cập đến lượng khí thải carbon, vì vậy bạn có thể sử dụng máy kéo tùy thích", Torres nói. “Chúng tôi đã nghĩ, phải giảm lượng khí thải nhưng đồng thời phải thu giữ CO2”.

Nhà sản xuất đã giảm lượng khí thải carbon của một chai rượu 34% và hướng tới mục tiêu giảm 60%, chủ yếu thông qua các biện pháp tiết kiệm năng lượng được áp dụng trong quá trình sản xuất.

“Mục tiêu của chúng tôi là ngừng cày xới”, ông nói. “Khi bạn cày, bạn khiến vật chất hữu cơ bị phơi ra trên ​​bề mặt và sau đó nó bị oxy hóa, vì vậy mọi thứ bạn tích trữ sẽ đi vào bầu khí quyển. Những gì chúng tôi cố gắng làm là bắt chước tự nhiên càng nhiều càng tốt, có nghĩa là phải trả lại sự sống cho đất”.

"Việc trồng cây đi đầu trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu. Nếu 7,4 triệu ha vườn nho trên thế giới áp dụng mô hình tái sinh, tác động sẽ rất lớn", ông khẳng định.

Gần đó, tại nhà máy rượu Parés Baltà, nhà nghiên cứu rượu nho Marta Casas đang tiến xa hơn. Casas tin rằng nghề trồng nho áp dụng nông nghiệp tái sinh là một bước tiến quan trọng đối với phương pháp tiếp cận động lực học toàn diện hơn, coi động vật, đất và sản xuất như một phần của một hệ thống duy nhất, có liên quan với nhau.

“Bạn càng cống hiến nhiều cho đất, thì càng được đền đáp lại nhiều”, Casas nói khi đứng bên một lò nướng lộ thiên từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên đã truyền cảm hứng cho bà làm rượu trong những chiếc bình đất nung.

Niềm đam mê của Casas đối với công việc phù hợp với sự tò mò của bà, điều này đã khiến bà theo đuổi nhiều ý tưởng cổ xưa. Ví dụ, bà phát hiện ra rằng bằng cách sử dụng dung dịch cây cỏ đuôi ngựa có thể giảm đáng kể lượng đồng sunphat phun lên cây nho để xử lý nấm mốc.

Nếu nông nghiệp tái sinh không còn là một ý tưởng mang tính cách mạng mà trở thành một ý tưởng thông thường, thì đối với những người trồng nho và ô liu, nó đánh dấu sự từ bỏ hai việc ngu ngốc trong nông nghiệp: cày xới đất và tiêu diệt loài cây cạnh tranh.

Montabes nói rằng họ đã phải thoát ra khỏi suy nghĩ coi bất kỳ loại cây nào khác với cây trồng mong muốn là đối thủ cạnh tranh, kể cả cỏ dại.

“Bây giờ chúng tôi biết rõ hơn”, ông nói. "Cỏ dại cũng tốt."

Hương Lan (Theo Guardian)

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
zalo
Chung nhan Tin Nhiem Mang