-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-

Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng cây sim rừng lấy quả tại Quảng Ninh
Sim còn gọi là hồng sim, kim nương, cương nhẫm, dương lê… là một loài thực vật có hoa, thuộc họ Myrtaceae. Sim là loài cây đa tác dụng, các bộ phận của cây có thể dùng làm thuốc, quả dùng làm thực phẩm có thể ăn tươi, làm thuốc, hoặc chế biến rất nhiều sản phẩm khác nhau được thị trường ưa chuộng và mở ra một triển vọng lớn để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến.
Ở Phú Quốc, Kiên Giang quả sim còn được khai thác để làm các món đặc sản như rượu vang Sim, rượu mạnh Sim, siro Sim, mứt Sim, kẹo gôm Sim, socola Sim… phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, và đã tạo nên thương hiệu nổi tiếng Sim Phú Quốc và trở thành món quà hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Thân, rễ, và cành lá cây Sim được dùng trong y học để chữa các bệnh về tiêu hóa, xương khớp, có tác dụng bổ huyết, an thai.
Cây Sim đang cho quả tại mô hình
Sim là loài cây tiên phong ưa sáng, phân bố rộng ở Việt Nam có thể sống ở những nơi đất cằn cỗi, nhiều đá lộ đầu, tầng đất mỏng, đất chua phèn, hay khô hạn, đất trống, trảng cây bụi, dưới tán rừng trồng tạo thành tầng cây bụi, thảm tươi có tác dụng bảo vệ đất, chống xói mòn tốt. Với những giá trị đó đã mở ra tiềm năng để phát triển một loài cây có giá trị kinh tế, đặc biệt là góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập ổn định cho người trồng, người thu hái cũng như buôn bán, chế biến Sim và hướng tới xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu cho các sản phẩm từ cây Sim.
Trên cơ sở kết quả điều tra ban đầu của nhiệm vụ cơ sở: “Nghiên cứu đánh giá tiềm năng gây trồng và phát triển cây Sim (Rhodomyrtus tomentosa) tại Lạng Sơn và Quảng Ninh” của Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng cho thấy, một số hộ gia đình tại các xã Vạn Yên, Đảo Ổ Ngò, Đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) đã tự phát bứng cây Sim từ rừng về trồng trong các vườn hộ, với quy mô từ 0,2ha đến dưới 1ha, và đã cho thu hoạch quả hàng năm. Với mật độ trồng ban đầu là 6.000 cây/ha, cây Sim sau trồng 2 năm (trồng bằng cây con bứng từ rừng, chiều cao từ 35 - 50 cm) bắt đầu cho quả và cho thu hoạch lứa đầu tiên, tuy nhiên năng suất và chất lượng quả chưa ổn định. Ở năm thứ 3, trung bình mỗi bụi cho quả từ 0,5 - 1,7 kg và năng suất quả tăng dần qua các năm. Từ năm thứ 4 trở đi, mật độ cây cho thu hoạch ổn định còn khoảng 5.500 - 5.000 cây/ha, cây cho năng suất và chất lượng quả ổn định, năng suất quả tăng dần qua các năm, bởi năng suất quả phụ thuộc vào sinh trưởng và các yếu tố cấu thành năng suất như số lượng cây (bụi)/ha, số nhánh (thân)/cây, chiều cao và độ rộng của tán và năng suất quả/bụi. Ở năm thứ năm mỗi bụi cho trung bình từ 1,9 - 2,8 kg quả, với giá bán hiện nay dao động từ 35.000 - 50.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí ban đầu như giống, phân bón, công lao động chăm sóc, thu hái… vẫn mang lại cho hộ gia đình từ 118,62 - 205,19 triệu đồng/ha.
Ước tính, với chu kỳ kinh doanh là 15 năm, hiệu quả kinh tế từ mô hình cho thu nhập từ 135,01 - 232,48 triệu đồng/ha/năm; hiệu suất đầu tư (nghĩa là tỷ lệ lợi ích - chi phí) của mô hình đạt từ 3,24 - 3,51 lần, nghĩa là các hộ gia đình bỏ ra 1 đồng vốn để trồng Sim lấy quả sẽ thu lại từ 3,2 - 3,5 đồng. Khả năng thu hồi vốn của các mô hình đều dương, tức là đầu tư có lãi, đạt từ 108,2 - 145,8%. Ngoài ra, những năm gần đây phong trào chơi cây cảnh khai thác từ gốc Sim rừng khá phổ biến trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng đã và đang gây ra những hệ lụy với hệ sinh thái, đa dạng sinh học, tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Do vậy, việc gây trồng và phát triển cây Sim rừng sẽ góp phần hạn chế việc khai thác tận diệt các gốc Sim rừng cổ thụ để chơi cây cảnh; đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, đặc biệt là những diện tích đất hoang hóa, khô cằn. Những gốc Sim sau 10 năm trồng có thể bán phục vụ nhu cầu chơi bon sai từ cây Sim rừng ngày càng tăng sẽ là nguồn thu rất lớn cho các hộ gia đình.
Trái sim chín đã được thu hoạch tại mô hình
(Tin bài được đăng trên chuyên đề Khuyến nông – Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tháng 9 năm 2020, trang 24)
Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng