Đưa công nghệ GIS vào cảnh báo lũ và thông tin nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ GIS và WebGIS giúp đưa cảnh báo sớm lũ lụt để người dân chủ động trong ứng phó thiên tai, nhận biết sâu bệnh nhằm nâng cao sản xuất.

Thông tin được các nhà khoa học chia sẻ tại hội thảo "Ứng dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế- xã hội" do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) tổ chức sáng 28/12.

TS Hoàng Thanh Sơn, Viện Địa lý, chia sẻ hệ thống cảnh báo lũ và ngập lụt trực tuyến (HTRQĐ) trên WebGIS cho lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam. Hệ thống HTRQĐ là công cụ hỗ trợ con người trong quản lý ứng phó và giảm thiểu rủi ro do thiên tai, bão lũ. Ông cho biết, hệ thống được tích hợp 4 tầng phân hệ gồm số liệu giám sát, thông tin và mô hình toán cùng phân tích thời gian thực về khí tượng thuỷ văn. Từ các dữ liệu giám sát thu thập gồm viễn thám, quan trắc và số liệu tĩnh thông qua các mô hình toán và phân tích sẽ đưa ra được bản đồ thống kê như dự báo khí hậu, lượng mưa, dòng chảy mùa trong thời gian 10 ngày.

"Hệ thống tính toán ngập lụt giúp xây dựng kế hoạch sản xuất, hỗ trợ đưa các kịch bản vận hành hồ chứa khẩn cấp hay tính toán rủi ro, thiệt hại", TS Sơn cho hay.

TS Hoàng Thanh Sơn chia sẻ công nghệ ứng dụng cảnh báo lũ tại hội thảo. Ảnh: VAST

Hiện các dữ liệu, nguồn số liệu thống kê đã tích hợp 74 trạm mưa; hàng trăm điểm mưa ảo GSMAP để làm đầu vào cho hệ thống cảnh báo, đưa ra tần suất cập nhật ngày theo thời gian thực và xây dựng các chế độ xử lý tạo cảnh báo tự động dạng mở. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu tích hợp được số liệu của 13 hồ chứa thủy điện, 14 trạm thủy văn, đưa ra cảnh báo tự động dạng mở.

Bên cạnh cảnh báo ngập lụt, nền tảng WebGIS giúp hỗ trợ điều hành, tính toán điều phối hồ chứa, kết nối mô hình thuỷ lực dự báo mực nước và diện ngập. Ông cho biết thêm, cần nghiên cứu tiếp tục bổ sung hệ thống trạm IoT đủ dày và chủ động về các dữ liệu thông tin, nền tảng tính toán đáp ứng được số lượng nhiều người dùng.

Công nghệ viễn thám và GIS trong xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp được TS Trần Thái Bình, Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ TP HCM, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo. Ứng dụng giúp đưa ra bản đồ nông nghiệp giúp người dân theo dõi tình hình sản xuất nông nghiệp, nắm bắt xu hướng và lập quy hoạch phát triển nông nghiệp. Bên cạnh thông tin sản xuất nông nghiệp, nhiều yếu tố như khí tượng thuỷ văn, thổ nhưỡng và sâu, bệnh cây trồng cũng được cập nhật kịp thời.

TS Trần Thái Bình chia sẻ về các ứng dụng trong hệ thống thông tin nông nghiệp. Ảnh: VAST

Ông Bình cho biết, từ năm 2015, nhóm nghiên cứu đã lên ý tưởng và triển khai xây dựng xây dựng hệ thống tích hợp dữ liệu nông nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ WebGIS mã nguồn mở. Theo đó, hệ thống tiếp nhận nguồn dữ liệu qua phân tích ảnh viễn thám và máy bay không người lái, cùng các hệ thống cảm biến tự động (độ mặn, mực nước) và các công cụ bán tự động (dữ liệu thu thâp tại hiện trường: dịch bệnh, sạt lở). Sau đó, các dữ liệu sẽ được đưa vào hệ thống thông tin nông nghiệp để đưa ra dữ liệu, giúp phát triển hệ thống IoT phục vụ việc ngăn mặn, tưới tiêu.

Hiện công nghệ được ứng dụng triển khai tại một số địa phương như An Giang, Bến Tre, Hậu Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhóm cũng xây dựng bản đồ giám sát lúa bằng công nghệ viễn thám và kỹ thuật lập trình xây dựng ứng dụng WebGIS. Bản đồ phân bố vùng trồng lúa được thiết lập sau khi được đánh giá độ chính xác đạt yêu cầu lớn hơn 90%. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra hệ thống thuỷ lợi, quan trắc, đưa ra thông số thủy văn và phân tích phân vùng ảnh hưởng mặn trên sông nhanh chóng, kịp thời thông báo cho người dân. "Ứng dụng của GIS và WebGIS trong lĩnh vực nông nghiệp phục vụ đắc lực trong công tác theo dõi diễn biến tình hình sản xuất nông nghiệp", ông Bình nói.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, cho biết thời gian qua Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số từ các ứng dụng công nghệ mới nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. PGS Dũng mong muốn thông qua trao đổi, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp tìm hiểu được các giải pháp công nghệ và lựa chọn được công nghệ phù hợp có khả năng ứng dụng trong các lĩnh vực đời sống.

Như Quỳnh - VnExpress

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
zalo
Chung nhan Tin Nhiem Mang