“Chống dịch phải có sự tham gia của các nhà khoa học”

Đó là khẳng định của đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhân chuyến thăm và làm việc tại Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh vào chiều ngày 16/10/2021.

Tham gia đoàn có Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật; Ông Lê Minh Khánh, Phó Cục trưởng, Cục công tác phía Nam; PGS.TS Lâm Quang Vinh, Trưởng ban Ban KH&CN Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tham quan Labo xét nghiệm SARS-CoV-2.

Tiền thân của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh ngày nay là Viện Pasteur Sài Gòn, do Bác sĩ Albert Calmette người Pháp, một học trò xuất sắc của nhà bác học Louis Pasteur người Pháp, thành lập năm 1891. Với bề dầy lịch sử 130 năm kể từ ngày thành lập, đặc biệt sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển kể từ sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển mang tính đột phá, luôn phấn đấu tiếp cận và ứng dụng những thành tựu về kỹ thuật và công nghệ tiên tiến của thế giới và khu vực trên lĩnh vực nghiên cứu vi sinh y học, công nghệ sinh học, hỗ trợ có hiệu quả cho các hoạt động dự báo dịch và xây dựng các mô hình giám sát dịch bệnh phù hợp, tăng cường tính chủ động trong công tác giám sát và phòng chống dịch, bệnh, hạn chế sự lây lan của các tác nhân gây bệnh trong cộng đồng.

Viện đã chủ động hợp tác với các Viện, trường và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức y tế có uy tín trên thế giới như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ (U.S.CDC) thông qua các chương trình, dự án hợp tác nhằm đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới và đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các phòng xét nghiệm, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ khoa học.  

Đội ngũ nghiên cứu viên của Viện gần 200 cán bộ, trong đó cán bộ chủ chốt được đào tạo chuyên sâu về dịch tễ, vi sinh, miễn dịch trong và ngoài nước như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Ý, Anh, Úc,... Viện có một phòng đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 3 (di động và đang xây dựng phòng cố định với sự hỗ trợ của JICA) và 15 phòng đạt chuẩn an toàn toàn sinh học cấp II; đạt chuẩn quy trình quản lý ISO 15189:2012, được Bộ Y tế công nhận là phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia (Phòng xét nghiệm HIV/AIDS), phòng xét nghiệm tham chiếu đạt chuẩn của WHO (xét nghiệm HIV kháng thuốc). Cơ sở hạ tầng mạng đang được đầu tư để đáp ứng nhu cầu hoạt động chuyên môn và quản lý. Hợp tác nghiên cứu trong mạng lưới Viện Pasteur thế giới, WHO/US.CDC, với các Đại học, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước (Hoa Kỳ với dự án PEPFAR (HIV)/An ninh y tế toàn cầu (GHSA), Viện Truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản, Đại học quốc gia Singapore, Colorado, Monash, UNSW (Úc); Tổ chức IDDS, PATH; Công ty Sanofi Pasteur, GSK, MSD, Medigen (Đài Loan), Đại học,…

Tháng 12 năm 1990 ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại phòng xét nghiệm HIV của Viện, khởi đầu cho việc cả hệ thống y tế và toàn dân đối phó với đại dịch nguy hiểm này. Xác định trường hợp Bại liệt cuối cùng của Việt Nam tại Phú Yên (1996), hàng năm duy trì hoạt động xét nghiệm cho tất cả các trường hợp Liệt mềm cấp tính của các tỉnh khu vực miền Nam, Tây nguyên và miền Trung từ Khánh Hòa trở vào, góp phần duy trì thành quả thanh toán Bại liệt của nước ta. Thực hiện hoạt động giám sát vi rút, huyết thanh bệnh sốt xuất huyết Dengue; phát triển và chuẩn hóa tất cả xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh sốt xuất huyết Dengue thực hiện ở Việt Nam.

Năm 2003, Viện là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam giải mã thành công toàn bộ gen vi rút cúm A/H5N1. Thành công này giúp có thêm dữ kiện về bản đồ gen của vi rút cúm A/H5N1, giúp theo dõi biến đổi gen vi rút cúm, hỗ trợ tích cực các nghiên cứu sản xuất vắc xin, phòng chống dịch, bệnh và nghiên cứu chuyên sâu về vi rút cúm người, gia cầm lần đầu tiên trên cả nước. Viện được Bộ KH&CN đặt hàng nghiên cứu sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 bằng công nghệ nuôi cấy trên tế bào vero và trứng gà có phôi; lần đầu tiên triển khai nghiên cứu về bệnh tay chân miệng và viêm não cấp trẻ em do Enterovirus-71, Coxsackie A-16 và các Enterovirus khác, đã phát hiện được vi rút Entero 71 gây viêm não cấp ở trẻ em lần đầu tiên tại Việt Nam. Trong giai đoạn đại dịch cúm A/H1N1 vào năm 2009, Viện đã thực hiện xét nghiệm chẩn đoán xác định ca bệnh nghi nhiễm vi rút cúm A/H1N1 từ 126 đơn vị khu vực phía Nam với số lượng 17.000 bệnh phẩm trong thời gian 2 tháng. Báo cáo kết quả hàng ngày giúp cho hệ thống y tế khu vực phía Nam và các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời đưa ra các hoạt động phòng chống sự lây lan, ổn định tình hình xã hội tại địa phương. Năm 2016, Viện phát hiện và công bố ca nhiễm Zika và kích hoạt hệ thống đáp ứng cho sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế này.

Năm 2020, Viện là đơn vị xác nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên của cả nước và nằm trong nhóm các Viện nghiên cứu có những công bố tiên phong trên tạp chí y khoa danh tiếng New England Journal of Medicine về bệnh này trên thế giới. Ngay từ giai đoạn sớm của dịch (tháng 01/2020), Viện đã cảnh báo việc lây truyền từ người sang người của SARS-CoV-2 cho WHO và qua công bố quốc tế. Viện được Bộ KH&CN đặt hàng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ và SARS-CoV-2, nhờ vậy đã phân lập, nuôi cấy, giải trình tự gen của SARS-CoV-2 tại Việt Nam, xây dựng mô hình dự báo dịch, 07 công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín liên quan nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, Viện đã phối hợp, hỗ trợ tích cực cho Công ty Nanogen trong việc nghiên cứu tiền lâm sàng và thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nanocovax; Công ty TNHH MTV Sinh hóa Phù Sa - Biochem trong nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.

Trong giai đoạn 2011-10/2021, Viện Pasteur đã công bố 141 ấn phẩm quốc tế trên các tạp chí quốc tế uy tín, tăng gấp 2,5 lần so giai đoạn 2001-2010 (56 bài). Trong số này, 46% bài báo có cán bộ khoa học Viện đứng tên là tác giả chính hay tác giả liên hệ. Chất lượng nghiên cứu tăng dần: Cán bộ Viện có bài báo trên tạp chí có chỉ số IF cao >10 như tạp chí New England Journal of Medicine, The Lancet, The Lancet Global Health, The Lancet Infectious Diseases và CDC's Morbidity and Mortality Weekly Report. Thêm vào đó, có bài báo về bệnh tay chân miệng, bệnh tả và mô hình dự báo của Viện được Ban biên tập tạp chí Journal of Infectious Disease, PLOS NTD và Lancet Global Heath chọn là bài của tháng và đăng trang chính website tạp chí khi bài báo được công bố chính thức.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật đã báo cáo tóm tắt mục tiêu, nội dung, giải pháp của Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vắc xin sử dụng cho người đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 01/10/2021 tại Quyết định số 1657/QĐ-TTg. Ông Trịnh Thanh Hùng nhấn mạnh những cơ chế đặc thù khi tham gia Chương trình và khẳng định đây là Chương trình nghiên cứu gắn liền với sản xuất, trong đó mục tiêu đến năm 2030 phải sản xuất được ít nhất 05 loại vắc xin được cấp phép sử dụng. Các đại biểu tham dự đã đánh giá cao tính kịp thời, ý nghĩa nhân văn và những khó khăn đồng thời khẳng định sẽ tích cực tham gia các họat động của Chương trình.  

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Sau khi nghe báo cáo của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, ý kiến của thành viên đoàn công tác, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã biểu dương và đánh giá cao thành tích hoạt động KH&CN của Viện trong thời gian qua với những đóng góp rất lớn cho công tác phòng, chống dịch và những định hướng của Viện trong giai đoạn tới. Bộ trưởng đã đặt hàng Viện tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình dự báo dịch Covid-19 để đưa ra các giải pháp khoa học nhằm thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; ủng hộ các đề xuất của Viện về các dự án tăng cường năng lực nghiên cứu cho phòng thí nghiệm nhất là phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3, nghiên cứu đánh giá hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19, nghiên cứu hội chứng hậu Covid-19, nghiên cứu vắc xin phòng sốt xuất huyết Dengue, vắc xin phòng bệnh chân tay miệng,... và các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản; ủng hộ sự hợp tác nghiên cứu giữa Viện và Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn: Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
zalo
Chung nhan Tin Nhiem Mang