Trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với 11 sản phẩm chủ lực

11 sản phẩm của tỉnh Kon Tum được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, gồm: Sâm Ngọc Linh Kon Tum, cà phê xứ lạnh Kon Tum và 9 sản phẩm dược liệu là nấm linh chi, đảng sâm, đương quy, lan kim tuyến, ý dĩ, đinh lăng, nghệ vàng, ngũ vị tử, sa nhân tím.

Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, để các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu được bảo hộ thật sự trở thành công cụ đắc lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chủ sở hữu, của người tiêu dùng, xa hơn là đưa các thương hiệu sản phẩm của tỉnh Kon Tum đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng phát triển để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, kiểu dáng công nghiệp…tạo tiền đề xây dựng và phát triển thương hiệu trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với các sản phẩm địa phương. Ảnh: VGP

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan thực thi pháp luật tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ.

UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân tiếp tục giữ vững, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng để xây dựng, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù của tỉnh Kon Tum vươn cao, vươn xa hơn nữa trong thời gian tới, góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến nay, tỉnh Kon Tum có 111 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Trong đó, có 2 chỉ dẫn địa lý là sâm Ngọc Linh và cà phê Đăk Hà; 97 nhãn hiệu thông thường và 14 nhãn hiệu chứng nhận.

Đối với 14 nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ, hầu hết là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù của tỉnh, như sâm Ngọc Linh, cà phê, các loại dược liệu và rau củ quả xứ lạnh.

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đồng thời đáp ứng hai điều kiện. Một là, dấu hiệu sử dụng làm nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được, có thể là dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ảnh ba chiều hoặc kết hợp các yếu tố trên, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Hai là, dấu hiệu đó có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác

Căn cứ theo Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, nhãn hiệu phải đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Chủ sở hữu có toàn quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ.

Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó. (khoản 17 Điều 4)

Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu. (khoản 18 điều 4)

Bảo An (T/h)

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
zalo
Chung nhan Tin Nhiem Mang