Tạo môi trường minh bạch cho nhà khoa học sáng tạo

Cần phải chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu và minh bạch trong cơ chế chính sách mới tạo nên một hệ sinh thái cho các nhà khoa học tâm huyết cống hiến.

Tạo động lực then chốt cho ngành nông nghiệp
Để Dự thảo chiến lược phát triển khoa học công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo ngành NN-PTNT giai đoạn 2021-2030 (sau đây gọi tắt là Dự thảo) hoàn thiện, đi vào cuộc sống, Bộ NN-PTNT đã và đang lấy ý kiến đóng góp từ các nhà chuyên gia, khoa học, doanh nghiệp, địa phương, viện trường…

Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo mới đây do Bộ NN-PTNT tổ chức tại TP.HCM, TS Nguyễn Anh Phong, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn cho biết, Dự thảo dựa trên cấu trúc Chiến lược KH-CN Quốc gia mới được Thủ tướng ban hành ngày 11/5/2022.

Mục tiêu của KH-CN giai đoạn 2022 - 2030 phải tạo được động lực then chốt cho hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Ảnh: Minh Sáng.

Theo TS Phong, mục tiêu của Dự thảo nhằm phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo ngành NN-PTNT để thực sự trở thành động lực then chốt cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp, nông thôn; có đủ tiềm lực và trình độ tạo ra các luận cứ, sản phẩm phẩm khoa học giá trị cao.

Đồng thời, tiếp thu chọn lọc và làm chủ các công nghệ tiêu biểu của thế giới để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp "sạch", nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng...

TS Phong nêu 5 mục tiêu cụ thể của Dự thảo đặt ra. Trong đó, đặt tỉ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 40%; tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ KH-CN được ứng dụng vào thực tiễn/tổng số nhiệm vụ thực hiện đạt trên 90% vào năm 2025 và trên 95% vào năm 2030.

Xây dựng và phát triển được 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt bình quân 8 - 10%/năm giai đoạn 2021 - 2030.

Dự thảo đặt mục tiêu tỉ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 40%. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Về giống, ngành trồng trọt đảm bảo sử dụng trên 90% giống lúa xác nhận và hạt lai F1. Trong ngành lâm nghiệp, đạt giống cây cung cấp cho trồng rừng kiểm soát nguồn gốc trên 90%. Ngành chăn nuôi đảm bảo cung cấp giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đối với lợn là 95%; gia cầm từ 85 - 90%, thủy sản đảm bảo chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống, đối tượng thủy sản chủ lực.

Phát triển chuỗi giá trị đồng bộ
Tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng, Dự thảo còn dài, chưa đi vào cụ thể phát triển của từng lĩnh vực… Vì vậy cần cô đọng lại, đặt ra thứ tự ưu tiên đến năm 2030 của ngành NN-PTNT để chiến lược thực sự đi vào thực tế.

Ngoài ra, một số mục tiêu đặt ra quá cao, khó có thể đạt được trong thời gian 7 năm tới. Cần tập trung phát triển về cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất của từng lĩnh vực, từng nhóm cây trồng, từng vùng sinh thái, từng giai đoạn sinh trưởng phát triển cây trồng, cái nào làm được, cái nào nhập khẩu… Đồng thời, cần xây dựng mô hình phát triển chuỗi giá trị đồng bộ, từ khâu đầu vào, sản xuất, sơ chế, chế biến, vận chuyển, cho đến khâu bán ra thị trường, xuất khẩu..., qua đó nâng cao giá trị sản phẩm của ngành NN-PTNT.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu (đứng), nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam đóng góp nhiều ý kiến cho phát triển KH-CN trong lĩnh vực cây ăn quả. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Góp ý cho Dự thảo trong lĩnh vực trồng trọt, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, ban soạn thảo cần xác định rõ những tồn tại của những cây ăn quả chính, để từ đó phấn đấu, không nói chung chung, đặc biệt không hạ giá thành cây giống. “Không nên đặt mục tiêu hạ giá thành cây giống, mà đặt mục tiêu cây giống sạch bệnh. Ở các nước, cây giống đắt hơn Việt Nam rất nhiều”, PGS.TS Châu nhấn mạnh.

Đặc biệt, về đổi mới KH-CN, ông Châu cho rằng, cần tự chủ công nghệ, sở hữu trí tuệ, gắn các viện, trường với doanh nghiệp.

Ở góc độ nhà nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Huy Bích, Trưởng Khoa Cơ khí công nghệ, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đặc biệt lưu ý ở lĩnh vực cơ khí hóa, chế biến nông sản. Mục tiêu cuối cùng áp dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo là giải quyết bài toán nhân lực, năng suất, chất lượng, giá thành, trên nền thụ hưởng là người dân và doanh nghiệp. Để đạt được những mục tiêu đó, cần giải quyết bài toán về cơ giới hóa trước thu hoạch cho sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam (là cây lúa).

Theo TS Trần Xuân Hạnh, Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung Ương Navetco, yếu tố quyết định thành công trong nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh vật nuôi trên cạn là làm chủ công nghệ, đó là phải nghiên cứu dịch tễ bệnh, có sản phẩm chẩn đoán nhanh, có vacxin/chế phẩm sinh học đặc hiệu hoặc kháng sinh để phòng bệnh.

Vì vậy, nên có định hướng nghiên cứu đón đầu để không bị động khi dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, cần xây dựng các trung tâm, viện nghiên cứu các bệnh mới nổi, đầu tư cho họ các phòng nghiên cứu cấp 3, cấp 4 tại Việt Nam.

Lực lượng các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ có chuyên môn cao, tâm huyết với nghề nghiệp ngày càng ít. Ảnh: Minh Sáng.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, ông Huỳnh Quang Đức cho rằng, hai vấn đề trong nghiên cứu KH-CN cần đặc biệt lưu ý là nghiên cứu KH-CN mũi nhọn, tạo không gian rộng cho các nhà khoa học, song song đó là nghiên cứu KH-CN mang tính ứng dụng để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp.

Trong ngành thủy sản, TS Nguyễn Văn Hảo, nguyên Viện trưởng Viện Nuôi trồng Thủy sản II cho rằng: Vấn đề đặt ra cho KH-CN đến năm 2030 phải là kháng bệnh, chứ không phải là sạch bệnh; là thủy sản hữu cơ, thủy sản gắn với môi trường… và để ngư dân an tâm đánh bắt trên vùng biển của mình, hoặc vùng biển quốc tế...

Khoa học bắt nguồn từ sản xuất và phục vụ sản xuất
Theo TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT), Dự thảo Chiến lược phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo của ngành NN-PTNT giai đoạn 2022 - 2030 cần những nhiệm vụ và giải pháp mang tính đột phá hơn, đặc biệt trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại khó khăn, bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược giai đoạn trước để đưa ra được những giải pháp mang tính khả thi hơn nhằm đưa chiến lược đi vào cuộc sống khi ban hành.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng (đứng) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Vì vậy, việc hoàn thiện toàn bộ hệ thống cơ chế chính sách để có sự đột phá, tạo môi trường pháp lý công bằng, đồng thời cởi trói cho các nhà khoa học để các nhà khoa học tận tâm, tâm huyết nghiên cứu những công trình khoa học đi vào thực tiễn sản xuất là vô cùng quan trọng.

"Chúng ta chấp nhận nghiên cứu rủi ro, chấp nhận nghiên cứu mạo hiểm, chấp nhận thất bại trong nghiên cứu KH-CN và minh bạch với các nhà khoa học từ chính sách, cơ chế mới tạo nên một hệ sinh thái cho các nhà khoa học tâm huyết cống hiến, tạo ra các sản phẩm khoa học thực sự có ý nghĩa thực tiễn.

Chúng ta cần có chính sách quan tâm, trọng dụng các nhà khoa học để các nhà khoa học công hiến, đem lại các công trình khoa học có giá trị thực tiễn trong sản xuất, bám sát thực tế sản xuất, để làm sao khoa học bắt nguồn từ sản xuất và quay trở lại phục vụ sản xuất. Đây là cốt lõi của chiến lược KH-CN trong thời gian tới”, TS Nguyễn Thị Thanh Thủy nhấn mạnh.

Ghi nhận những thành tựu, kết quả trong phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo ngành NN-PTNT trong thời gian qua, PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, đây là tiền đề để thực hiện chiến lược trong thời gian tới.

Góp ý về chiến lược phát triển trong thời gian tới, PGS.TS Bổng lưu ý, cần đổi mới hoạt động của tổ chức nghiên cứu của nhà nước, tạo không gian cho mọi thành phần xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động nghiên cứu KH-CN. Đồng thời, nhà nước chỉ làm nhiệm vụ động viên, khơi nguồn cảm hứng cho các nhà khoa học, còn lại nên để các viện tự chủ.

Ông cũng lưu ý, cần đầu tư một cách đồng bộ đối với các viện, trung tâm trong tất cả các lĩnh vực của ngành NN-PTNT, phải dành ngân sách để trong vòng 5 - 10 năm… tới không còn những trung tâm xập xệ.

Nguyễn Thủy - Minh Sáng-NNVN

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
zalo
Chung nhan Tin Nhiem Mang