Kiểm tra tiến độ đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống cam bản địa (cam thổng) tại huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn”

Thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh, ngày 28/07/2022, đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức kiểm tra tiến độ đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống cam bản địa (cam thổng) tại huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn”, do Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện. Đề tài được thực hiện từ năm 2021 - 2024.

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: Thu thập, lưu giữ, bảo quản nguồn gen giống cam thổng và đánh giá hiện trạng sản xuất, những kiến thức bản địa về bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen; Nghiên cứu xây dựng được các phương pháp lưu giữ, bảo quản an toàn nguồn gen; Phục tráng, nhân giống xây dựng mô hình bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen cam thổng.

Kiểm tra cây cam thổng ưu tú tại xã Điềm He, huyện Văn Quan

Qua báo cáo của cơ quan chủ trì và kiểm tra thực tế cho thấy đến thời điểm kiểm tra, cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài đã cơ bản hoàn thành các công việc theo thuyết minh, dự toán đã được duyệt bao gồm các nội dung sau:

Tiến hành nghiên cứu đặc điểm nông sinh học của cây cam thổng. Kết quả cho thấy, đây là giống cam bản địa đã được trồng lâu đời tại các huyện Tràng Định, Văn Quan tỉnh Lạng Sơn. Số cây hiện được chăm sóc tại các hộ dân không còn nhiều.

Cây có dạng tán hình bầu dục, mật độ cành thưa, lá thành thục màu xanh đậm. Hình dạng phiến lá ở giai đoạn lộc có hình mũi mác, hết giai đoạn sinh trưởng lộc lá có hình elip. Chiều dài phiến lá khoảng 10 cm, chiều rộng phiến lá 4,8 cm. Thời gian ra hoa từ tháng 2 - 3, thu hoạch từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10. Quả dạng hình cầu, khi chín có màu xanh hơi vàng, có vị ngọt và hương thơm đặc trưng.

Đề tài đã nghiên cứu, tuyển chọn được 5 cây cam thổng ưu tú tại huyện Văn Quan và Tràng Định để làm nguồn vật liệu khai thác mắt ghép phục vụ công tác nhân giống.

Đề tài đã triển khai xây dựng mô hình nhân giống cam thổng tại xã Điềm He, huyện Văn Quan nhằm cung cấp giống cho mô hình bảo tồn và phát triển nguồn gen cam thổng và các thí nghiệm. Cây giống được nhân bằng phương pháp ghép. Mắt ghép được lấy từ các cây ưu tú đã lựa chọn. Mô hình đang tiến hành ghép và chăm sóc cây con. Kết quả bước đầu đã ghép được 300 cây giống đạt tiêu chuẩn.

Đoàn kiểm tra của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn đề nghị Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng tiếp tục thực hiện các nội dung công việc thuộc đề tài theo đúng kế hoạch, đảm bảo nghiệm thu đúng tiến độ.

Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng

Tags : IRRD Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
zalo
Chung nhan Tin Nhiem Mang