Câu đằng (Uncaria spp.) – cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao

Chi Câu đằng Uncaria thuộc họ Cà phê Rubiaceae, được ghi nhận trên thế giới với khoảng 34 loài phân bố tại Đông Nam Á, Đông Á, châu Phi và Nam Mỹ. Tại Việt Nam, hiện đã ghi nhận được 12 loài thuộc chi Câu đằng. Nhiều loài thuộc chi này được sử dụng làm thuốc với tên gọi Câu đằng (cành có gai như móc câu) như các loài U. rhynchophylla, U. macrophylla, U. hirsuta, U. sinensis, U. sessilifructus,... Ở Việt Nam sử dụng một số loài khác nhau thuộc chi Uncaria làm thuốc (Uncaria spp.) với tên gọi Câu đằng (Ramulus cum Unco Uncariae) (Dược điển Việt Nam V, 2015).

Trong các Y văn cổ, Câu đằng được ghi nhận có vị ngọt, tính hơi hàn, quy kinh Tâm bào, Can, thuộc nhóm thuốc Bình can tắt phong, được sử dụng với tác dụng bình can tắt phong, trấn kinh an thần trong các trường hợp can phong nội động gây hoa mắt, chóng mặt, bốc hỏa ứng với các bệnh lý thần kinh, tăng huyết áp. Bài thuốc cổ phương “Thiên ma Câu đằng ẩm” đã được sử dụng từ hàng trăm năm nay khẳng định tính an toàn cũng như hiệu quả của dược liệu này.

Cây Câu đằng bảo tồn tại Vườn Quốc gia Pù Luông (Thanh Hóa)

Nghiên cứu Y Dược hiện đại đã chứng minh Câu đằng (Uncaria spp.) có nhiều thành phần hóa học thuộc các nhóm hoạt chất quý, giàu tác dụng sinh học như alcaloid, triterpen, flavonoid, … Từ chất đầu tiên được phân lập từ loài U. rhynchophylla là rhynchophyllin vào năm 1928, tới nay đã xác định được hơn 200 chất thuộc chi này. Trên thế giới có rất nhiều công bố khẳng định nhiều tác dụng dược lý của Câu đằng, trong đó tập trung nhiều vào các tác dụng như điều trị co giật, tăng huyết áp, trầm cảm, thiếu máu não, đột quỵ, Alzheimer, Parkinson, động kinh, sản giật, … Tại Việt Nam, các công bố của Viện Dược liệu cũng khẳng định, với thành phần chính là alcaloid, Câu đằng có các tác dụng dược lý như hạ huyết áp, chống loạn nhịp tim, an thần và được dùng làm thuốc chữa đau đầu, chóng mặt do huyết áp cao, cao huyết áp, sốt kinh phong, chân tay co giật ở trẻ em, trúng phong, liệt thần kinh mặt.

Với các lợi thế như vậy, dược liệu Câu đằng đã được Bộ Y tế đăc biệt quan tâm, hoạch định đưa vào “Danh mục 100 loại cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020-2030” được ban hành mới đây tại Quyết định số 3657/QĐ-BYT ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Để có thể khai thác và phát triển cây dược liệu Câu đằng (Uncaria spp.) trở thành một dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao, cần phải xúc tiến triển khai nghiên cứu bảo tồn và khai thác phát triển nguồn gen Câu đằng để tạo sản phẩm dược liệu Câu đằng chất lượng cao của Việt Nam. 

Theo TS. Nguyễn Thị Thu - Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng
 

Tags : câu đằng cây câu đằng cây thuốc
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
zalo
Chung nhan Tin Nhiem Mang