Ban hành Thông tư quy định về quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030

Ngày 09/9/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 75/2021/TT-BTC quy định về quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 (sau đây gọi là Chương trình).

Kinh phí thực hiện Chương trình được bảo đảm từ các nguồn: Nguồn ngân sách nhà nước (nguồn chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc ngân sách trung ương, nguồn chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc ngân sách địa phương) và nguồn kinh phí khác (kinh phí của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình, kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác).

Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí căn cứ theo nhiệm vụ được phê duyệt theo nguyên tắc như sau:

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện nhiệm vụ đối với các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên;

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí trên cơ sở khả năng thu của đơn vị (tỷ lệ ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 70% tổng dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ) đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên:;

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 50% tổng dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp và các tổ chức khác.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm chủ động huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, sử dụng và giải ngân nguồn kinh phí huy động theo đúng phương án huy động các nguồn tài chính, đảm bảo về cơ cấu theo tỷ lệ với nguồn ngân sách nhà nước đã được phê duyệt.

Quy định cụ thể về nội dung và mức chi ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ tuân thủ các quy định hiện hành có liên quan, tập trung hỗ trợ các nội dung:

- Tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ;

- Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước;

- Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ;

- Thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

- Phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;

- Hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội;

- Chi phục vụ công tác quản lý, hoạt động chung của Chương trình.

Thông tư 75/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/10/2021. Xem chi tiết tại đây.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
zalo
Chung nhan Tin Nhiem Mang